Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, để sử dụng hiểu quả, không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh, mỗi hộ sản xuất phải tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhất là việc xử lý nilon, bao bì, chai lọ các loại
thuốc bảo vệ thực vật, bởi những loại bao bì này đều làm từ những vật liệu rất khó phân hủy, gây ô nhễm môi trường.
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân huyện Kim Thành, được sự nhất trí của Đảng ủy xã Kim Liên, chiều ngày 17/8/2023, tại Nhà Văn hóa thôn Vân Dương, Hội Nông dân xã đã tổ chức Hội nghị Ra mắt Mô hình: “Cánh đồng không rác thải nilon và bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật”. Về dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Toán - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội Nông dân xã và các thành viên của Mô hình là hội viên Chi hội Nông dân thôn Vân Dương.
Những năm gần đây, trên địa bàn xã, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rất phổ biến; trong đó, một số hộ sử dụng không đúng liều lượng, khó kiểm soát; sau khi sử dụng xong, bao bì không được thu gom xử lý tập trung mà bị vứt bỏ ngay tại bờ ruộng, mương tưới tiêu, lượng thuốc tồn dư nhiều gây phơi nhiễm nguồn nước, ngấm vào đất, khếch tán vào không khí làm hủy hoại hệ sinh thái, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mô hình: “Cánh đồng không rác thải ni lông và bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật” gồm 50 thành viên do Hội Nông dân xã Kim Liên thành lập, phối hợp với Ban Chi ủy, Chi bộ và các chi hội, đoàn thể thôn Vân Dương thực hiện chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho hội viên nông dân và nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện thu gom rác thải ni lông và bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh môi trường đồng ruộng; tuân thủ các quy định của pháp luật và địa phương về bảo vệ môi trường, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhấn mạnh thực trạng xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật và sự cần thiết của Mô hình. Đồng thời, đề nghị Cấp ủy, Chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí để Mô hình hoạt động có hiệu quả và bền vững; Hội Nông dân xã cần bám sát, nắm chắc, đánh giá chất lượng hoạt động của Mô hình theo từng giai đoạn cụ thể, kịp thời báo cáo, tham mưu cho các cấp trong chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện; nhận rộng Mô hình ra các thôn để xử lý đúng kỹ thuật bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn xã./.